Thứ Năm, 31 tháng 7, 2014

12 quy tắc cần tuân thủ khi du lịch biển

Tận hưởng kỳ nghỉ trên biển xanh, cát trắng nắng vàng là trải nghiệm thú vị những ngày hè nóng nực. Tuy nhiên, để có một chuyến đi an toàn, bạn nên trang bị kiến thức cần thiết để tự bảo vệ mình trước một số nguy hiểm bất ngờ.

1. Khởi động trước khi xuống biển

Môi trường trên cạn và môi trường dưới nước khác nhau, chính vì vậy bạn cần phải có thời gian thích nghi. Trước khi xuống biển, cần khởi động chân tay, làm một vài động tác thể dục hoặc chạy bộ một quãng để tránh chuột rút trước khi ngâm mình vào dòng nước. Tuy nhiên bạn cũng không nên vận động quá sức và cần xuống nước một cách từ từ, đừng vội lao mình xuống nước.


2. Không phơi nắng quá lâu

Ánh nắng gay gắt sẽ không tốt cho sức khỏe của bạn. Vì vậy bạn không nên tắm nắng quá lâu trước khi xuống nước vì dễ bị cảm lạnh đột ngột.

3. Không nên để bụng đói hoặc no khi xuống nước

Khi đi tắm biển, bạn không nên để bụng quá đói hoặc quá no khi xuống nước. Tốt nhất nên ăn lót dạ một chút và mang theo bánh ngọt, trái cây, đồ hộp bởi sau khi bơi sẽ khiến bạn tiêu hao nhiều năng lượng.

4. Không bơi quá xa bờ

Khi bơi quá xa bờ, bạn sẽ phải đối mặt với những con sóng lớn và những rủi ro không lường hết được. Vì vậy, thỉnh thoảng bạn phải chú ý quan sát phía sau. Lần xuống nước đầu tiên không nên quá 15 phút. Không bơi xa quá bờ 15m hoặc ở khu vực sâu quá 5m.

5. Không nên tắm biển vào ngày sóng lớn

Không nên chọn du lịch biển hoặc tắm ở vùng biển thường có dòng nước ngược vì dòng nước này rất nguy hiểm cho người bơi. Bạn nên nghe ngóng thời tiết, tham khảo trước những thông tin về bãi biển. Đặc biệt không nên tắm vào ngày sóng lớn, ngày mưa bão hay khi nhiệt độ dưới 18 độ C. Khi thấy bờ biển yên lặng bất thường, nước rút ra xa và xuất hiện nhiều đàn chim bay dáo dác, bạn hãy ngay lập tức lên bờ, tìm chỗ cao hay đồi núi.

6. Không bơi khỏi khu vực an toàn

Thường ở mỗi bãi biển sẽ có những biển cắm cảnh báo khu vực nước sâu, nguy hiểm. Bạn nên tuân thủ đúng nội quy của bãi biển, không đi ra xa khỏi khu vực an toàn kẻo không bơi vào bờ được, gặp cá dữ, bị sóng mạnh cuốn trôi.


7. Tránh những cầu cảng, trụ cột

Ở các thành phố biển thường có các cầu cảng hay trụ neo nằm rải rác. Khi tắm, bạn phải tránh những nơi này vì đây là nơi nhiều động vật thân mềm ẩn trú như sứa tấn công. Trong trường hợp bị sứa cắn nên lên bờ sát chanh sau đó tắm lại bằng nước ngọt.

8. Tránh vùng nước xoáy

Ở bãi tắm gần các khu đô thị lấn biển có nhiều hố, bãi trũng và nước xoáy bất ngờ. Để thoát khỏi dòng chảy này, bạn không được hoảng sợ. Luôn nhớ là dòng chảy xa bờ sẽ không hút người xuống đáy, mà chỉ đưa mọi vật ra xa bờ. Đừng cố bơi ngược dòng mà tìm cách bơi vuông góc với dòng chảy. Đối với những người không biết bơi hoặc đã đuối sức, hãy thả nổi mình trôi theo dòng, chờ người tới cứu.

9. Trường hợp cần lên bờ ngay

Cơ thể ngứa ngáy, cảm thấy lạnh, mệt mỏi khác thường, nhức trán hoặc sau gáy, bị chuột rút, rối loạn thị giác, có dấu hiệu bị trướng bụng, đau khuỷu tay và đầu gối, bạn ngay lập tức phải tìm cách lên bờ.

10. Luôn đi cùng một hai người khác

Để đảm bảo an toàn, bạn nên cẩn thận khi tắm, không nên đi quá xa bờ. Luôn phải đi cùng với 1-2 người khác, càng đông càng an toàn và có thể hỗ trợ nhau khi có sự cố.


11. Tự cứu mình

Bình tĩnh nhắm mắt, ngậm miệng, nín thở để phổi không bị sặc nước mà trở thành phao cứu sinh đẩy người nổi dần lên. Dùng tay hoặc chân làm mái chèo, quạt nước đẩy đầu nhô khỏi mặt nước. Với cách này, bạn có thể tồn tại dưới nước khá lâu chờ người đến cứu hoặc lợi dụng dòng chảy để bơi vào chỗ nông hơn.

12. Một số trường hợp không được tắm biển

Một số người bị viêm phế quản, hen suyễn, lao phổi, bệnh tim mạch, viêm thận, viêm tai giữa mạn tính có thủng màng nhĩ, người thần kinh dễ bị kích thích, người thường xuyên sợ lạnh thì không nên tắm biển.

Singapore, quen mà vẫn lạ

Dù đã đến Singapore 2 lần, nhưng chuyến đi mới đây theo chương trình của Tổng cục Du lịch Singapore vẫn làm tôi ngạc nhiên.

Singapore như cô gái vốn không đẹp, không có gì đặc sắc, nhưng lại có tiền và biết cách chưng diện, làm mới mình, nên dù thấy “nàng” đã quen thuộc lắm người ta vẫn phải để mắt đến.


Cái gì cũng bảo tồn !

Một nhà báo trong đoàn đã thốt lên ngạc nhiên như vậy sau khi tham quan khu Tiong Bahru, nơi rất ít du khách Việt Nam biết tới.

Đối diện chợ Tiong Bahru là một dãy chung cư thấp tầng với những căn hộ hình ống, cánh cửa sắt kéo phía trước, cầu thang bộ chung vừa dài vừa hẹp, trông như một số chung cư cũ ở nội thành Sài Gòn hiện nay, có điều được sơn trắng toát và nhìn sạch sẽ hơn. Đây là một trong những khu nhà ở lâu đời nhất của Singapore (được xây dựng từ những năm 30 thế kỷ trước), từng là nơi ở của tầng lớp thượng lưu hồi trước thế chiến thứ 2.

Trong khoảng thập niên 1970-1980, người dân nơi đây đã lần lượt chuyển đến những căn hộ hiện đại hơn. Chính phủ Singapore vẫn duy trì hiện trạng của công trình, trong khi người dân vẫn tiếp tục sinh sống trong đó, để giữ lại hình ảnh của quá khứ.

Khu chung cư nằm gần trung tâm, nên giá mỗi căn hộ ở đây rất đắt: gần 1 triệu đô Sing (khoảng 16 tỉ đồng). Một số căn hộ tầng trệt được cải tạo thành tiệm bánh, quán cà phê… xinh xắn –  chỗ nghỉ chân tĩnh lặng, ấm cúng cho những du khách ưa lang thang.

Bước vào chợ Tiong Bahru, tôi lấy làm lạ khi khắp nơi chỉ thấy toàn ông già bà cả, cả người bán lẫn người mua. Những gian hàng nho nhỏ bán rau, hoa, thực phẩm, đồ ăn san sát nhau, người mua len lỏi trong những lối đi hẹp, trả tiền mặt trực tiếp cho người bán, y như một chợ ở Sài Gòn. Thì ra ngôi chợ mới khánh thành năm 2006 này cũng được Singapore xếp vào diện là nơi “bảo tồn” tập quán mua sắm truyền thống, và điều này rất hợp ý những người lớn tuổi ở Sing – bộ phận dân chúng không thích “đi chợ” trong những siêu thị hiện đại như giới trẻ.

Bảo tồn một cách tự nhiên, để “di sản” vẫn có cuộc sống hài hòa với nhịp sống hiện đại – có thế thấy những nỗ lực của người Sing trong công việc đầy khó khăn này. Tiệm sách Book
Actually tọa lạc ở số 9 đường Yong Siak cũng là một cố gắng như thế. Một tiệm sách nhỏ xinh, có đủ sách xuất bản ở Singapore lẫn nước ngoài, được duy trì hoạt động – dù Singapore không thiếu những nhà sách mênh mông trong các khu mua sắm – nhằm giữ lại hình ảnh một tiệm sách truyền thống.

Phố Ả Rập với những cửa tiệm bán vải vóc, lụa là, thảm len…, nơi du khách có thể tìm được những món quà lạ, là nơi thương nhân Ả Rập ngày xưa từng buôn bán.


Rồi ngoài khu phố Tàu đang được bảo tồn mà ai cũng biết, hay những đồ vật, hình ảnh đang được trưng bày đầy ấn tượng trong Bảo tàng quốc gia Singapore hiện đại, tôi cũng đã xem một bảo tàng nhỏ xíu ngay chân cáp treo đi sang đảo Sentosa, trưng bày những mẫu lồng cáp treo từng được đưa vào sử dụng trong gần 30 năm qua…

Có cảm giác đảo quốc non trẻ này, trong quá trình hiện đại hóa cực nhanh, đang tìm cách gìn giữ những mảnh quá khứ mang dấu ấn văn hóa riêng cho chính người dân nước họ, dù rằng các “mảnh” ấy chưa hẳn đã gây ấn tượng mạnh cho du khách đến từ các quốc gia có bề dày lịch sử cả ngàn năm.

Những điểm đến mới

Song song với việc bảo tồn di sản, Singapore tiếp tục khiến du khách choáng ngợp với những công trình kiến trúc, giải trí hoành tráng.

Đoàn chúng tôi nằm trong số những du khách đầu tiên tham quan Marine Life Park – thủy cung lớn nhất thế giới – trên đảo Sentosa ngay dịp khánh thành (có vẻ như đất nước nhỏ bé này rất khoái những công trình “nhất thế giới”). Sự kỳ ảo, sống động của thủy cung khiến du khách không khỏi ngất ngây, và những nhân viên làm nhiệm vụ vệ sinh các bể kính khổng lồ trong bộ đồ người nhái đã tạo nên một kết thúc đẹp cho hành trình qua thế giới nước.

Khai trương khu vực vườn phía Nam hồi giữa năm nay, Những khu vườn bên vịnh (Gardens by the bay) ở ngay khu trung tâm Singapore, là một phần trong kế hoạch biến Singapore từ “thành phố của những khu vườn” thành “thành phố trong vườn” của chính phủ.

Hiện tại công trình gồm 2 nhà kính khổng lồ có hình mái vòm, bên trong là vô số loài kỳ hoa dị thảo trên khắp thế giới. Kiến trúc cực kỳ hiện đại này được coi là biểu tượng mới của quốc gia, được chọn ra từ những mẫu thiết kế của nhiều kiến trúc sư tài ba trên thế giới.

Có người cắc cớ hỏi: Sao mấy năm trước qua đây tui thấy các tòa nhà đã chen nhau chật cứng ở khu đất kim cương này, vậy đất đâu ra mà xây cái công trình rộng tới 101 hecta này? Câu trả lời là: Công trình đã nằm trong quy hoạch của chính phủ từ trước.

Gần đó là Marina Bay Sands, tổ hợp khách sạn – khu mua sắm – khu vui chơi giải trí cực kỳ sang trọng. Hôm chúng tôi đến, tại Bảo tàng Nghệ thuật trong khu phức hợp này đang diễn ra triển lãm nghệ thuật đương đại The art of the brickcủa nghệ sĩ Nathan Sawaya đến từ New York, với những tác phẩm được xếp từ hàng ngàn mảnh đồ chơi lego. Phía ngoài khu trưng bày, rất nhiều du khách sau khi xem triển lãm nổi hứng ngồi lúi húi xếp xếp ghép ghép các mảnh lego tạo thành tác phẩm riêng của mình.


Tại đây chúng tôi cũng đã có dịp xem Jersey boys, vở nhạc kịch nổi tiếng của sân khấu Broadway từng thắng giải Tony cho “nhạc kịch hay nhất” vào năm 2006 mà Singapore là điểm đến châu Á đầu tiên của vở. Jersey boys sẽ diễn tại Singapore đến giữa tháng 1.2013.

Du khách thích náo nhiệt hơn có thể sang đảo Sentosa xem IncantoTM, show ảo thuật – ca múa – xiếc hoành tráng mới khai trương hồi tháng 11 vừa rồi với sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ Singapore và nước ngoài.

Cũng trên đảo Sentosa, chúng tôi hòa mình vào ZoukOut, một festival âm nhạc – nhảy múa ngoài trời sôi động thu hút rất đông thanh niên.

Với hàng loạt sự kiện diễn ra hằng tuần, ngành du lịch Singapore không giấu giếm kỳ vọng thu hút du khách bằng những chương trình nghệ thuật – giải trí chất lượng cao.

Thế còn mua sắm thì sao? Dĩ nhiên, những trung tâm mua sắm lớn đầy ắp thương hiệu nổi tiếng thế giới vẫn là thế mạnh của Singapore. Nhưng du khách ưa thích sự mới lạ, độc đáo bắt đầu tìm đến Haji Lane. Đây là con phố nhỏ nằm gần phố Ả Rập gồm những cửa hàng được thiết kế rất cá tính, bày bán những sản phẩm thời trang của các nhà thiết kế trẻ chưa nổi tiếng của Singapore.

Con phố rất ngắn, nhưng duyên dáng và quyến rũ đến nỗi tôi chưa kịp mua gì đã thấy buổi trưa trôi vèo qua.

Thứ Ba, 29 tháng 7, 2014

Tổng quan về đất nước Singapore

Ngôn ngữ chính thức Malay (Quốc ngữ), Anh, Tiếng phổ thông (Trung Quốc), Tamil
Diện tích :• Tổng số : 692,7 km²• Nước (%) : 1,444%
Dân số :

Ước lượng năm 2005 : 4.425.720
Thống kê dân số 2000 :4.017.700
Mật độ : 6.389 người/km²
Đơn vị tiền tệ : Đôla Singapore (SGD)
Tên miền Internet : .sg
Mã số điện thoại +65

Cộng hòa Singapore là quốc gia nhỏ nhất của Đông Nam Á, nằm phía nam của bán đảo Malaysia, phía nam bang Johor của Malaysia và phía bắc đảo Riau của Indonesia. Singapore nằm cách xích đạo chỉ 137 km về hướng bắc.

Địa lý

Singapore là một hòn đảo có hình dạng một viên kim cương bao quanh bởi nhiều đảo nhỏ khác. Có hai con đường nối giữa Singapore và bang Juhor của Malaysia — một con đường nhân tạo có tên Đường nối Johor-Singapor ở phía Bắc, băng qua eo biển Tebrau và chỗ nối thứ hai Tuas, một cầu phía Tây nối với Juhor. Đảo Jurong, Pulau Tekong, Pulau Ubin và Sentosa là những đảo lớn nhất của Singapore, ngoài ra còn có nhiều đảo nhỏ khác. Vị trí cao nhất của Singapore là đồi Bukit Timah với độ cao 166 m.

Vùng thành thị trước đây chỉ tập trung ở khu vực phía Bắc Singapore bao quanh sông Singapore, hiện nay là trung tâm buôn bán của Singapore, trong khi đó những vùng còn lại rừng nhiệt đới ẩm hoặc dùng cho nông nghiệp. Từ thập niên 1960, chính phủ đã xây dựng nhiều đô thị mới ở những vùng xa, tạo nên một Singapore với nhà cửa san sát ở khắp mọi miền, mặc dù Khu vực Trung tâm vẫn là nơi hưng thịnh nhất. Ủy ban Quy hoạch Đô thị là một ban của chính phủ chuyên về các hoạt động quy hoạch đô thị với nhiệm vụ là sử dụng và phân phối đất hiệu quả cũng như điều phối giao thông. Ban đã đưa ra quy hoạch chi tiết cho việc sử dụng đất ở 55 khu vực.

Singapore đã mở mang lãnh thổ bằng đất lấy từ những ngọn đồi, đáy biển và những nước lân cận. Nhờ đó, diện tích đất của Singapore đã tăng từ 581,5 km² ở thập niên 1960 lên 697,25 km² ngày nay (xấp xỉ diện tích huyện Cần Giờ (thành phố Hồ Chí Minh)), và có thể sẽ tăng thêm 100 km² nữa đến năm 2030.

Singapore có khí hậu nhiệt đới ẩm với các mùa không phân biệt rõ rệt. Đặc điểm của loại khí hậu này là nhiệt độ và áp suất ổn định, độ ẩm cao và mưa nhiều. Nhiệt độ thay đổi trong khoảng 22°C đến 34°C (72°–93°F). Trung bình, độ ẩm tương đối khoảng 90% vào buổi sáng và 60% vào buổi chiều. Trong những trận mưa lớn kéo dài, độ ẩm tương đối thường đạt 100%. Nhiệt độ cao nhất và thấp nhất đã từng xuất hiện là 18,4°C (65,1°F) và 37,8°C (100,0°F).

Sự đô thị hóa đã làm biến mất nhiều cánh rừng mưa nhiệt đới một thời, hiện nay chỉ còn lại một trong số chúng là Khu Bảo tồn Thiên nhiên Bukit Timah. Tuy nhiên, nhiều công viên đã được gìn giữ với sự can thiệp của con người, ví dụ như Vườn Thực vật Quốc gia. Không có nước ngọt từ sông và hồ, nguồn cung cấp nước chủ yếu của Singapore là từ những trận mưa rào được giữ lại trong những hồ chứa hoặc lưu vực sông. Mưa rào cung cấp khoảng 50% lượng nước, phần còn lại được nhập khẩu từ Malaysia hoặc lấy từ nước tái chế - một loại nước có được sau quá trình khử muối. Nhiều nhà máy sản xuất nước tái chế đang được đề xuất và xây dựng nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào việc nhập khẩu.


Kinh tế

Singapore hầu như không có tài nguyên, nguyên liệu đều phải nhập từ bên ngoài. Singapore chỉ có ít than, chì, nham thạch, đất sét; không có nước ngọt; đất canh tác hẹp, chủ yếu để trồng cao su, dừa, rau và cây ăn quả, do vậy nông nghiệp không phát triển, hàng năm phải nhập lương thực, thực phẩm để đáp ứng nhu cầu ở trong nước. Singapore có cơ sở hạ tầng và một số ngành công nghiệp phát triển cao hàng đầu châu Á và thế giới như: cảng biển, công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, công nghiệp lọc dầu, chế biến và lắp ráp máy móc tinh vi. Singapore là nước hàng đầu về sản xuất ổ đĩa máy tính điện tử và hàng bán dẫn. Singapore còn là trung tâm lọc dầu và vận chuyển quá cảnh hàng đầu ở châu Á. Nền kinh tế Singapore chủ yếu dựa vào buôn bán và dịch vụ (chiếm 40% thu nhập quốc dân). Singapore cũng được coi là nước đi đầu trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức.

Thời tiết

Singapore có không khí nóng ẩm quanh năm với nhiệt độ bình quân từ 23 đến 33 độ C. Ánh nắng quanh năm, thỉnh thoảng trời mưa đặc biệt là vào thời gian cuối năm.

An ninh

Sự an toàn, tỷ lệ tội phạm thấp và tiêu chuẩn sống cao cấp của Singapore nổi danh trên thế giới, đây chính là các yếu tố góp phần mang đến cho học sinh quốc tế một môi trường học tập thật sự lý tưởng. Và khi xếp sách lại sau giờ học, một thế giới thể thao, giải trí cùng với những cảnh sắc và âm thanh ngoạn mục sẳn sàng giúp bạn thư giãn và đáp ứng cho các giác quan của bạn. Với vô vàn sự thú vị đang đợi bạn ở từng góc phố của Singapore, bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy muốn rời xa nơi này.

Visa, Passport Và Những Điều Cần Biết

Du lịch ngoài nước là một xu thế khá phổ biến trong thời gian gần đây. Nhưng để tham gia tour du lịch nước ngoài, đặc biệt là các nước châu Âu quý khách cần phải chuẩn bị Visa và Passport để bắt đầu chuyến đi của mình.

1. Visa, Passport  là gì ?

Visa (còn gọi là thị thực xuất nhập cảnh) là một bằng chứng hợp pháp xác nhận rằng một người nào đó được phép nhập cảnh hoặc xuất cảnh ở quốc gia cấp thị thực. Các quốc gia thường có các điều kiện để các cấp thị thực, chẳng hạn như thời hạn hiệu lực của thị thực, khoảng thời gian mà đương sự có thể lưu lại đất nước của họ.


Visa có thể được cấp trực tiếp tại quốc gia, hoặc thông qua đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của quốc gia đó, đôi khi thông qua một cơ quan chuyên môn, công ty du lịch có sự cho phép của quốc gia phát hành. Nếu không có đại sứ quán hoặc lãnh sự quán ở nước mình, đương đơn phải đến một quốc gia thứ ba có các cơ quan này.

Passport (hộ chiếu) là một loại giấy tờ để nhận dạng cá nhân và quốc tịch của người giữ, khi sang quốc gia khác. Hiện nay có ba loại hộ chiếu: Hộ chiếu phổ thông, Hộ chiếu công vụ và Hộ chiếu ngoại giao.

Nội dung trong hộ chiếu gồm có :

-   Số hộ chiếu

-   Ảnh

-   Ghi họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính

-   Số chứng minh nhân dân

-   Nơi sinh

-   Cơ quan cấp; Nơi cấp

-   Các nước có thể đi đến (hộ chiếu Việt Nam thì không có mục này)

-   Thời hạn sử dụng

-   Vùng để xác nhận thị thực

-   Tên và thông tin của trẻ em ghép chung hộ chiếu

Để có được Visa và tấm Passport không phải là quá khó, tuy nhiên cũng cần tuân theo một số thủ tục nhất định.


2. Thủ tục xin cấp Visa và làm Passport

Thủ tục xin cấp Visa

Xin Visa ra nước ngoài: Hiện nay một số nước đã miễn Visa cho công dân Việt Nam, đặc biệt là các nước trong khu vực Đông Nam Á. Với các nước khác, thủ tục cấp Visa tùy theo yêu cầu cụ thể của từng quốc gia.

Đối với người nước ngoài đi công tác hoặc du lịch vào Việt Nam, nếu không phải là công dân ở các nước được miễn thị thực, quý khách cần phải có Visa do Đại sứ quán hoặc Lãnh sự quán của Việt Nam tại đất nước của quý khách cấp hoặc xin Visa Việt Nam từ nước thứ 3.
Thủ tục làm Passport

-   Trường hợp đang làm việc cho các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp Nhà Nước, quý khách cần chuẩn bị:

•    Giấy quyết định cử đi công tác

•    Ảnh 4x6

•    Tờ khai (theo mẫu)

-   Trường hợp quý khách không làm việc trong các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp Nhà nước, cần chuẩn bị:

•    Tờ khai theo mẫu
•    Ảnh 4x6
•    Bản sao Hộ khẩu & bản sao CMND (kèm bản chính đối chiếu)


Chú ý: Trẻ em dưới 16 tuổi bố mẹ phải khai và ký thay có công chứng và đóng dấu giáp lai vào ảnh.
Hiện tại Cholontourist đang cung cấp dịch vụ làm Visa. Quý khách có nhu cầu hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất. Dịch vụ  làm Visa của công ty du lịch Cholontourist đảm bảo nhanh chóng, an toàn, tỷ lệ đậu cao và giá dịch vụ ưu đãi nhất. Khách hàng có thể yên tâm và tin tưởng khi đến với dịch vụ làm Visa tại Cholontourist chúng tôi.

Quý khách có thể tham khảo các hướng dẫn làm visa trên website cholontourist.com.vn hoặc liên hệ làm Visa du lịch tại các văn phòng giao dịch của Cholontourist:

a). Văn phòng1:

-   Địa chỉ: 787 Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5, TP.HCM

-   Điện thoại: (84.8) 3922 5588

-   Fax: (84.8) 3924 5098.

b). Văn phòng 2:

-   Địa chỉ: 83 Châu Văn Liêm, Phường 14, Quận 5, TP.HCM

-   Điện thoại: (84.8) 3853 5566-

-   Fax: (84.8) -3853 8978

Chủ Nhật, 27 tháng 7, 2014

Ngôn ngữ ở Singapore

Chính phủ Singapore công nhận 4 ngôn ngữ chính thức gồm: Tiếng Hoa của cộng đồng gốc Hoa ,Tiếng Tamil của cộng đồng gốc Ấn, tiếng Malay của cộng đồng người Mã lai và tiếng Anh được dùng cho tất cả cộng đồng.

 Đối với nhiều du khách Việt khi du lịch Singapore lần đầu tiên không khỏi phải bỡ ngỡ vì ngôn ngữ được dùng tại đất nước này. Cho dù được công nhận là đất nước sử dụng tiếng Anh nhưng có rất nhiều điều có thể bạn chưa biết về ngôn ngữ trên đảo quốc này.

 Chính phủ Singapore công nhận 4 ngôn ngữ chính thức gồm: Tiếng Hoa của cộng đồng gốc Hoa ,Tiếng Tamil của cộng đồng gốc Ấn, tiếng Malay của cộng đồng người Mã lai và tiếng Anh được dùng cho tất cả cộng đồng. Kể các ngôn ngữ thiểu số khác theo một thống kê năm 2009, số ngôn ngữ đang sử dụng trên đảo quốc này là 20 và chắc con số đó không dừng lại vì số người nước ngoài từ các cộng đồng khác nhau không ngừng tăng một cách có chọn lọc tại đây trong đó có tiếng Việt.

Lý do công nhận bốn ngôn ngữ chính thức phản ánh một thực tế của một đất nước đa dạng chủng tộc, đa văn hóa và việc công nhận các ngôn ngữ như trên phản ánh nhu cầu thực tế của các cộng đồng chính trong cơ cấu dân số tại Singapore. Tuy nhiên, có nhiều điều thú vị về vấn đề sử dụng ngôn ngữ tai đây.

Trước hết về cách sử dụng trong hệ thống hành chính công. Việc thừa nhận bốn ngôn ngữ chính thức đồng nghĩa với việc tất cả các văn bản đầu trong cộng đồng và trường học lẫn cơ quan chính phủ đều phải có bốn ngôn ngữ. Biển báo trên có thể là một minh họa cho việc đó.

Có điều người Sing mà thực ra là vai trò cá nhân của người sáng lập đất nước này Ông Lý Quang Diệu (một người gốc Hoa được đào tạo tại Anh và chỉ học tiếng Hoa khi đã là Thủ Tướng Sing) đã nhìn thấy cơ hội để Singapore nối kết các cộng đồng với nhau và là phương tiện đi ra thế giới đó là việc phải dùng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức nhưng chủ đạo trong tất cả các cộng đồng và một phong trào do ông phát động từ những năm cuối 60 của thế kỷ trước đã mang lại thành quả như hiện nay khi người dân Singapore đã dùng tiếng Anh thành ngôn ngữ hàng ngày của mình.

Nhưng có nhiều điều thú vị về ngôn ngữ tại đây cho dù tiếng Anh có vị trí chủ đạo và là ngôn ngữ có giá trị pháp lý khi giao kết hợp đồng hay các văn bản mang tính pháp luật đó là vai trò của tiếng Malay. Hiện nay, chỉ có khoảng 13 % người dân Singapore có gốc Mã nhưng do yếu tố lịch sử giữa hai nước khi Singapore từng là một bộ phận thuộc Malaysia nên tiếng Malay được duy trì với vị trí đặc biệt trong đời sống chính trị và văn hóa của đất nước này. Đặc biệt có thể kể đến là bài hát quốc ca hiện nay bài hát Majulah Singapura hoàn toàn hát bằng tiếng Mã Lai.

Nếu có dịp nghe phát biểu bất kỳ sự kiện quan trọng nào hiện nay như Lễ thành lập chính phủ, ngày công bố Ngân sách quốc gia hàng năm, bạn có thể sẽ thấy các vị lãnh đạo Singapore như đương nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long hay phó Thủ tướng Tiêu Chí Hiền  phát biểu bằng 3 thứ tiếng theo thứ tự là Tiếng Malay, tiếng Hoa và cuối cùng là tiếng Anh. Rất thú vị và ngạc nhiên cho nhiều người nước ngoài tham dự những sự kiện như vậy.

Cùng với thời gian, do quá  trình toàn cầu hóa và cả nhận thức của giới trẻ, tiếng Anh đang lấn lướt và trở thành ngôn ngữ hàng ngày của cư dân nơi đây nên bạn có thể gặp nhiều người Singapore gốc Hoa không còn nói được tiếng Hoa hay người Mã mà không nói được tiếng Mã.

Để kết lại một bài viết ngắn về ngôn ngữ tai Singapore,có thể mạo muội nhận xét rằng ngôn ngữ có vai trò như một nhịp cầu, giúp đất nước này giao tiếp với thế giới hiện đại và kết nối các cộng đồng trong một quốc gia. Cho dù có nhiều ngôn ngữ chính thức như vậy nhưng việc Singapore lựa chọn tiếng Anh là ngôn ngữ quốc gia đã làm nên một quốc gia thịnh vượng ngày nay.Có thể không hẳn như thế nhưng thiếu nó chắc không có điều thần kỳ của đất nước nhỏ bé này hiện này.

Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014

Du lich singapore : Dạo chơi trên sông Singapore

Một điểm thú vị đối với các du khách khi du lịch Singapore đó là…đi dạo ngắm sông.

Quả thực, khi đi thuyền xuôi dòng sông Singapore, hoặc dạo bộ hai bên bờ sông, bạn sẽ được ngắm nhìn sự yên bình của dòng sông, được thỏa thích nhắm nhìn những kiến trúc tuyệt đẹp của Singapore dọc hai bên bờ như là Bảo tàng Văn minh Châu Á, Tòa nhà Nghị Viện, các ngôi nhà cổ, và những đền thờ….



Rất nhiều khách du lịch khi tới Singapore muốn khám phá cuộc sống bên dòng sông này. Họ có thể lang thang từ khi trời sáng cho đến khi thành phố đã lên đèn. Khi đói, dễ dàng tìm được những quán ăn ngon, trong đó có những món nướng hải sản hay các thức ăn tiêu biểu của Singapore như  cua sốt cay chilli crab…


Trên đường, bạn sẽ đi qua tượng của ông Stamford Raffles, người đã có công tạo dựng nên đất nước Singapore, các dãy phố Boat Quay, Clarke Quay… Bạn cũng sẽ nhìn thấy tòa nhà Quốc hội. Đây là nơi mà tất cả các phiên họp đều mở cửa tự do cho công chúng, không cần có giấy mời. Bảo tàng các nền văn minh châu Á, bảo tàng lớn nhất của Singapore, cũng nằm dọc con đường lãng mạn này.


Ngoài ra, còn rất nhiều các điểm tham quan thú vị khác. Đặc biệt, bạn sẽ khám phá được rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo được bố trí dọc sông.


Bạn có thể đặt một tour đi bộ với hướng dẫn viên tại Singapore Tourist Center, song cũng có thể tự mình thực hiện chuyến đi với một sách hướng dẫn trong tay, hoặc có thể tự tra cứu trước trên Internet để biết các thông tin cần thiết. Ngay khi bạn chưa có gì trong tay ngoài chiếc máy ảnh thì những tấm biển gắn ở khắp nơi cũng cung cấp đầy đủ các thông tin về địa danh, kiến trúc… hay chỉ là một bức tượng bất kỳ nào đó trên đường đi.


Thật dễ chịu khi đi qua những công viên, những khu vườn xanh ngắt bóng cây và tận hưởng sự yên tĩnh, sự  trong lành mà dòng sông mang lại, nhất là vào buổi sớm mai hay khi chiều xuống. Hoa muôn hồng nghìn tía trong công viên, trong vườn những khách sạn, những khu nhà ở sang trọng, tiếng chim hót líu lo, những con quạ đen bình thản đậu đó đây và những chú sóc nhỏ nghịch ngợm chuyền cành…

Nhưng ấn tượng nhất là những chiếc cầu bắc ngang hai bờ sông. Có rất nhiều cây cầu bắc qua các khúc sông hẹp, đoạn từ Robertson Quay đến cầu Tan Kim Seng. Có cầu được thiết kế với hình dáng thật ngộ nghĩnh và đầy màu sắc, có cầu thanh lịch như một vầng trăng khuyết soi bóng ở một đoạn sông phẳng lặng như gương, có cầu lại giản dị như một nốt nhạc hờ hững buông xuống mặt nước xanh trong…

Thứ Năm, 24 tháng 7, 2014

Tàu điện ngầm MRT Singapore

Với sự phát triển nhanh chóng của mình, Singapore tự hào và phát triển hệ thống tàu điện ngầm MRT(Mass Rapid Transport) để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân trong đô thị.

Với đời sống ở Singapore đa số mọi người điều dùng tàu điện ngầm MRT làm phương tiện đi lại chính. Khi đi du lịch Singapore bạn cần phải biết một số thông tin về MRT. Hệ thống vận chuyển công cộng này có phạm vi hoạt động rộng và tính hiệu quả cao giúp việc đi lại giữa các nơi trong thành phố và khu vực ngoại ô được dễ dàng với mức chi phí hợp lý. Chính vì vậy mà hàng ngày, có tới 2 triệu lượt khách sử dụng mạng lưới tàu điện ngầm từ 6 giờ sáng cho tới tận nửa đêm với tần suất 3 đến 8 phút một chuyến.


Tàu điện ngầm MRT có 3 tuyến chính: Tuyến Nam-Bắc từ vịnh Marina đến Jurong East, tuyến Đông-Tây từ sân bay Changi/Pasir Ris đến Boon Lay, và tuyến Đông-Bắc từ Harbour Front đến Puggol. 3 tuyến chính trên có màu khác nhau: Tuyến Bắc – Nam có màu đỏ, tuyến Đông – Bắc có màu tím và tuyến Đông – Tây có màu xanh lá cây. Để đến một địa điểm nào đó, trước hết bạn phải xác định nơi đến gần ga tàu điện ngầm nào nhất, sau đó mua vé đến ga đó. Có thể bạn sẽ phải xuống các ga trung chuyển (Interchange) để đổi tàu mới có thể đến được điểm cần đến. Khi đã đến ga cần đến, bạn phải chú ý các biển chỉ dẫn để có thể đi ra các cửa thích hợp. Có khi một ga tàu điện ngầm có tới 8 cửa ra ở nhiều hướng khác nhau và đến các phố hoặc trung tâm thương mại khác nhau. Nếu ra nhầm cửa có khi bạn sẽ phải đi bộ thêm đến cả cây số so với ra đúng cửa cần ra.

Lời khuyên dành cho các ứng viên: Nên mua vé tiêu chuẩn (Standard Ticket) tại các máy bán vé tự động. Giá vé tàu điện ngầm dao động từ 0.8 SGD cho đến 1.8 SGD (ngoài ra bạn còn phải đặt cược số tiền 1 SGD nữa). Màn hình cảm ứng sẽ hỏi bạn chọn mua vé đến ga nào, sau đó yêu cầu bạn đút tiền xu (10 cents, 20 cents, 50 cents, 1 SGD) hoặc tiền giấy (2SGD và 5 SGD) vào máy. Máy sẽ phát hành một tấm thẻ từ giống như card điện thoại và bạn sẽ dùng nó khi đi qua cửa kiểm soát ở ga đi và ở cửa kiểm soát ga đến. Ở ga đến bạn sẽ lại đưa chiếc thẻ này vào máy một lần nữa để nhận lại 1 SGD tiền đặt cọc của chiếc vé này.

Thẻ ez-link, một loại thẻ đa năng và là một “sáng kiến” độc đáo của ngành giao thông Singapore. Ngoài các phương thức trả tiền bình thường khác như tiền mặt, thẻ tín dụng, thẻ ez-link có thể dùng để đi trên tất cả các loại phương tiện công cộng ở Singapore. Chẳng hạn, đang đi bằng xe buýt, tôi có thể chuyển sang đi MRT mà chẳng cần phải mua hai loại vé tháng hay trả tiền nhiều lần. Cứ trả bằng thẻ ez-link này là xong. Khi hết tiền thì chỉ cần nạp tiền vào thẻ bằng ATM thôi. Thật là tiện!

Để bảo đảm an toàn cho hành khách, các ga tàu điện ngầm ở Singapore đều được lắp kính ngăn cách lúc tàu chạy. Chỉ khi tàu dừng hẳn thì cửa tự động mở ra để hành khách lên xuống. Vừa mới kịp ngồi xuống ghế là nó đã lập tức lao đi với vận tốc kinh người, bên tai nghe tiếng rít xé gió, thế rồi phút chốc đã đến nơi cần đến. Tính ra mất vài phút, nhanh không thể tưởng tượng. Có điều khách lại mất không ít thời gian cho việc đi lại, lên xuống các tầng hầm. Lúc bằng thang cuốn, khi thì đi bộ, quẹo phải rẽ trái nhiều lần, di chuyển không ngừng. Chính vì vậy, nhiều du khách Việt lần đầu đi tàu điện ngầm đã bị lạc và thực sự hoảng hốt giữa “mê cung dưới mặt đất” này. Bạn phải chú ý thông tin trên bảng màn hình và nghe thông báo từ hệ thống thông tin bằng loa ở trong sân ga, nếu không bạn có thể sẽ lỡ chuyến tàu hoặc bị lạc.